Khảo sát ảnh hưởng của cường độ bê tông đến bám dính giữa tấm sợi composite CFRP và bề mặt bê tông

  • Trần Xuân Vinh Khoa Xây dựng, Trường Đại học Vinh,182 Lê Duẩn, thành Phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Việt Nam
  • Nguyễn Trung Hiếu Khoa Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, 55 đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam
  • Phạm Xuân Đạt Khoa Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, 55 đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam
Từ khóa: Gia cường, Tấm sợi composite, Bê tông, Bám dính, Thí nghiệm kéo trượt

Tóm tắt

Trong việc sử dụng tấm sợi composite gốc các bon (Carbon Fiber Reinforced Polymer-CFRP) để gia cường kết cấu bê tông cốt thép, lực bám dính giữa tấm FRP và bề mặt bê tông là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến hiệu quả gia cường. Nội dung bài báo trình bày nghiên cứu thực nghiệm khảo sát ảnh hưởng của cường độ bê tông đến sự bám dính giữa tấm CFRP và bề mặt bê tông. 03 nhóm mẫu bê tông có cường độ chịu nén lần lượt bằng 20 MPa, 27 MPa, 36 MPa được lựa chọn. Một mô hình thí nghiệm kéo trượt được xây dựng cho phép xác định được lực tới hạn gây phá hoại liên kết giữa tấm CFRP và bề mặt bê tông. Dựa trên kết quả thí nghiệm cho thấy: (1) sự phá hoại bề mặt liên kết phụ thuộc vào chất lượng (cường độ) bê tông. Sự phá hoại xảy ra vào sâu lớp bê tông ở bề mặt với nhóm mẫu cường độ bê tông 20 MPa và 27 MPa, sự phá hoại chủ yếu xảy ra ở bề mặt tiếp xúc giữa tấm CFRP và bê tông đối với nhóm mẫu có cường độ 36 MPa; (2) Lực bám dính giữa tấm CFRP và bê tông tỉ lệ thuận với cường độ bê tông. Tuy nhiên, khi cường độ bê tông đủ lớn thì sự bám dính giữa tấm CFPR và bê tông sẽ bị ảnh hưởng bởi cường độ của keo epoxy.

Tải xuống

Dữ liệu tải xuống chưa có sẵn.
Xuất bản
24-11-2023
Chuyên mục
Bài báo khoa học